Nếu viễn cảnh xuống chơi tại Championship trở thành hiện thực, Manchester United sẽ đối mặt với làn sóng tháo chạy của các ngôi sao, tổn thất tài chính khổng lồ và nguy cơ đánh mất vị thế lịch sử.
Viễn cảnh u ám
Phong độ tệ hại của Manchester United tiếp tục kéo dài, với thất bại 0-2 ngay trên sân nhà Old Trafford trước Newcastle United vào rạng sáng ngày 31/12. Đây là trận thua thứ 4 liên tiếp của “Quỷ đỏ”, đẩy họ xuống vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng.
Lúc này, CLB chủ sân Old Trafford chỉ hơn nhóm xuống hạng đúng 7 điểm. Trước viễn cảnh u ám này, HLV Ruben Amorim đã phải thừa nhận rằng Manchester United có nguy cơ thực sự phải tham gia vào cuộc chiến trụ hạng.
Phát biểu sau trận đấu, Amorim thẳng thắn chia sẻ: “Đó là một khả năng và chúng tôi cần phải thành thật với người hâm mộ. Mùa giải năm nay sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải chiến đấu để vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn”.
Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, ý tưởng về việc Manchester United phải rớt hạng lại được nhắc đến một cách nghiêm túc. Lần gần nhất đội bóng này xuống chơi ở giải hạng Nhì là vào mùa giải 1973/74, nhưng họ ngay lập tức trở lại giải đấu cao nhất của bóng đá Anh chỉ sau một mùa.
Tuy nhiên, bối cảnh bóng đá hiện đại và những vấn đề nội tại khiến viễn cảnh rớt hạng lần này có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Nếu viễn cảnh xuống hạng xảy ra, việc giữ nguyên đội hình hiện tại là điều không thể.
Nhiều ngôi sao lớn sẽ tìm cách rời khỏi đội bóng để bảo vệ sự nghiệp của mình. Các tuyển thủ như Bruno Fernandes, Marcus Rashford, Casemiro hay Rasmus Hojlund khó lòng chấp nhận thi đấu ở giải hạng Nhì.
Ngay cả khi họ muốn ở lại, mức lương khổng lồ mà Manchester United đang trả – cao hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng lương trung bình tại Championship (khoảng 10.000 bảng mỗi tuần) – cũng là một gánh nặng tài chính không thể duy trì.
Đội bóng sẽ buộc phải bán đi những cầu thủ chủ chốt để cắt giảm chi phí và tái cơ cấu tài chính. Điều này có thể dẫn đến một cuộc “tháo chạy” ồ ạt, đẩy Manchester United vào tình thế buộc phải xây dựng lại đội hình từ con số không.
Một trong những mặt tích cực hiếm hoi nếu Manchester United xuống hạng là cơ hội dành cho các cầu thủ trẻ từ học viện. Trong lịch sử, đội bóng này luôn nổi tiếng với truyền thống phát triển tài năng trẻ, và việc phải thi đấu ở một giải đấu ít khắc nghiệt hơn như Championship có thể tạo điều kiện để họ tiếp tục duy trì truyền thống này.
Những tài năng như Kobbie Mainoo, Dan Gore, Harry Amass hay Chido Obi-Martin có thể được trao cơ hội ra sân nhiều hơn, giúp đội bóng dần tìm lại bản sắc. Championship cũng là môi trường phù hợp để những cầu thủ trẻ này tích lũy kinh nghiệm và phát triển, điều mà họ khó có được nếu phải cạnh tranh ở Premier League.
Hậu quả lâu dài
Xuống hạng không chỉ là một thất bại thể thao mà còn là một thảm họa tài chính đối với Manchester United. Theo ước tính, việc rớt khỏi Premier League có thể khiến một CLB mất tối thiểu 85 triệu bảng doanh thu, bao gồm tiền bản quyền truyền hình, vé vào sân và các hợp đồng tài trợ.
Đối với một đội bóng có tầm vóc và thương hiệu toàn cầu như Manchester United, con số này chắc chắn sẽ còn cao hơn. Hiện tại, tài chính của đội bóng đã ở trong tình trạng đáng báo động.
Theo báo cáo, Man United lỗ ròng 113,2 triệu bảng vào tháng 9 và tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 6,9 triệu bảng trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024/25. Nếu xuống hạng, những khoản nợ này sẽ ngày càng phình to, khiến CLB buộc phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí mạnh tay, từ giảm lương cầu thủ đến bán tài sản hoặc tìm cách thương lượng với các nhà tài trợ.
Tập đoàn INEOS và Sir Jim Ratcliffe – những người vừa tiếp quản một phần CLB – sẽ phải đối mặt với áp lực cực lớn để vực dậy đội bóng. Tuy nhiên, họ khó tránh khỏi việc phải thực hiện các quyết định không được lòng người hâm mộ.
HLV Ruben Amorim là một trong những nhân vật phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho phong độ tệ hại hiện tại của Manchester United. Kể từ khi tiếp quản đội bóng, ông đã không thể mang lại sự ổn định và hiệu quả. Sau 11 trận, số trận thua của đội dưới triều đại của ông thậm chí còn nhiều hơn số trận thắng.
Nếu Manchester United xuống hạng, gần như chắc chắn Amorim sẽ bị sa thải. Một quyết định như vậy có thể tiêu tốn một khoản tiền đền bù hợp đồng lớn, nhưng đó sẽ là điều bắt buộc nếu đội bóng muốn bắt đầu một hành trình mới. Với danh tiếng đã bị tổn hại nặng nề, khả năng cao Amorim sẽ trở về quê nhà Bồ Đào Nha để tìm lại sự nghiệp của mình.
Rớt hạng sẽ để lại những vết sẹo khó lành đối với Manchester United. Dù họ có thể trở lại Premier League sau một mùa giải, việc xuống chơi tại Championship sẽ khiến CLB mất đi sức hấp dẫn trong mắt các cầu thủ đẳng cấp thế giới, cũng như làm giảm uy tín trên trường quốc tế.
Những ký ức hào hùng về một “Quỷ đỏ” từng thống trị bóng đá Anh và châu Âu dưới thời Sir Alex Ferguson sẽ càng trở nên xa vời. Đối với người hâm mộ, viễn cảnh này là một cơn ác mộng.
Manchester United không chỉ là một CLB bóng đá mà còn là biểu tượng của niềm tự hào và lịch sử. Việc đội bóng phải chiến đấu để tránh xuống hạng là một thực tế đau lòng, nhưng nó cũng là lời cảnh tỉnh cho những sai lầm trong quản lý và chiến lược kéo dài suốt nhiều năm qua.
Nguồn tin: Bongdalu